Không khí đang yên lặng đột nhiên mình giật bắn cả người, khi nghe người bố ngồi bên cạnh nạt đứa con một cái thật lớn.
Chắc là thằng bé đã làm gì đấy khiến bố khó chịu, nhìn ánh mắt đầy lo lắng và sợ hãi có lẽ nó khép vía nên cũng không dám khóc hay míu máo gì dù rất muốn. Hình như Ông bố nhận ra mình đã sai khi nhìn thấy ánh mắt của đứa con đang nhìn Ông đầy ngơ ngác. Lúc ấy cử chỉ nhẹ nhàng ôm nó vào lòng, lời nói không ngôn từ nhưng đầy thông điệp để nó hiểu là Bố vẫn yêu mình. Và Ông đã nói những điều, mà đúng ra ông nên nói ngay lúc đầu, với một “cử chỉ và giọng điệu đầy yêu thương”. Thằng bé rúc vào lòng Ông rồi thút thít “con sai rồi, con xin lỗi bố”
Tôi cũng đã từng như vậy, cuộc sống bộn bề vì công việc, thời gian thiếu thốn. Thay vì giành thời gian giải thích, tôi chọn cách áp đặt và nếu chúng ko thực hiện sự nạt nộ sẽ diễn ra, để rồi sau đó nhận ra mình đang sai và sự vỗ về như ông bố lúc nãy cũng xuất hiện.
Hàng ngày mình có cơ hội được nói chuyện với rất nhiều Chị em phụ nữ, họ bảo rằng họ cũng đã từng như thế, sau đó nhận ra và thấy mình có lỗi quá chừng.
Trẻ con chúng luôn thích sự “yêu thương và vỗ về”.!!! Đây là điều mà tuổi thơ tôi thật sự thiếu thốn, ba mẹ suốt ngày cuộc sống cơm áo gạo tiền để lo cho mấy Chị em tôi ăn học, sự mệt nhoài vào cuối mỗi ngày luôn được thể hiện rõ nét trên khuôn mặt họ thì lấy đâu ra sự yêu thương hay chiều chuộng vỗ về. Nhưng ngày đó mấy chị em tôi hiểu được điều ấy.
Những đứa trẻ bên cạnh nhà cũng y chang thế, chẳng khác gì Chị em tôi. Hồi đó được ăn no, mặc đồ không trống không rách chỗ nào, không bị những trận đòn roi bầm mình thì coi như là sướng lắm rồi.
Mà nghĩ cũng ngộ, hồi đó không mạng, không ti vi điện thoại gì cả nên nghỉ ra đủ trò chơi dân gian kèm theo những trò phá phách, mà phá thì bị hư đồ đạc, bày bừa có khi thì làm hư đồ nhà, có khi thì phá hư đồ hàng xóm, kiểu gì cũng bị có tội và ăn đòn, nên thời đó luôn sợ bị ba mẹ đánh đòn.
Hồi nào mà được ba mẹ ôm vào lòng một cái, chỉ cần như thế thôi là zui là hạnh phúc lắm luôn. Ba mẹ có la, có mắng cỡ nào đi chăng nữa thì tới bữa ăn là vẫn phải vào xen xí xò ăn cơm chứ ở đó mà hờn dỗi, đánh quá trời quá đất tối vẫn phải chui vào giường mà ngủ, chữ hờn ngồi ở ngoài là mũi nó chích chịu không nỗi luôn.
Có lẽ mỗi thời mỗi khác, bây giờ tụi nhỏ dạy như kiểu ngày xưa không còn phù hợp nữa thì phải, có đứa ba mẹ la thế là nó bỏ nhà đi với bạn luôn. Đi một cách tự tin và dứt khoát vì trước mắt, tiền nó đang có từ hàng ngày ba mẹ cho giành dụm được nó có thể sống được ít nhất là cả tuần, bạn bè mỗi đứa cưu mang nó ít hôm là cũng sống được vài tuần nữa. Rồi ở Thành Phố lúc hết tiền, nó xin vào phục vụ quán ăn hay làm gì đó bằng lao động chân tay cũng có đủ tiền để nó sống qua ngày.
Tụi nó đâu có biết, ở nhà ba mẹ nó lo cho nó biết nhường nào, lo quí lo quén, buồn rầu suốt cả ngày. Và những đứa trẻ hư bắt nguồn từ những trường hợp như thế vô cùng nhiều, Chỉ cần một chút sai lầm, lỡ vướng vào những trò chơi hay sa đọa nương tựa vào những đám Bạn tào lao chừng vài ngày trong những lúc bỏ nhà ra đi vì bị ba mẹ la như thế là coi như xong.
Ngày xưa, ba mẹ la kiểu gì la, đánh kiểu gì đánh vẫn phải ở nhà, chứ có còn nơi nào khác để đi đâu. Đi tiền đâu sống, chỗ nào chứa, và cũng không biết đi kiểu gì luôn. Hồi còn nhỏ đúng là ngây ngô thiệt, đã có lúc mình nghĩ cuộc sống của mình, địa lý của mình Chỉ là Quảng Ngãi, kiểu nghĩ cuối Quảng Ngãi là chân trời rồi, chứ có tưởng tượng được độ rộng độ bao la của trái đất của vũ trụ là bao nhiêu đâu.
Lần đầu tiên được đi cùng người thân đi chơi xa một xíu, cảm giác và tưởng tượng lúc đó kiểu như được đi Mỹ lúc bấy giờ, một cảm giác mới lạ vui sướng không thể tả. Được đi xe khách mấy chục chỗ,hình như là 50 chỗ ngồi thì phải mà mừng vui ghê gớm, bạn bè quanh quanh là kể và khoe với nó hết, tụi nó ngưỡng mộ lắm luôn, vì tụi nó trước giờ có được đi bao giờ đâu, toàn là chạy theo chiếc xe lam của thương lái thu mua bắp cải họ chạy quanh làng vào mỗi buổi chiều.
Mặt mày đứa nào đứa náy thì lấm lem lấm luốc, đen thui, trưa mà đứa nào chịu ở nhà ngủ mới là chuyện lạ, toàn cứ ngoài đường phá làng phá xóm. Mo nang tre, thì lấy cho vào bánh xe rồi chạy cho nó kêu bạch bạch, bớm trắng bay đầy ở mấy hàng rào thì không để cho tụi nó yên mà lấy mấy nhành cây khác quậy cho nó bay toán loạn hihi, vô số trò chơi vui không thể tả.
Còn tụi nhỏ bây giờ, điện thoại, tivi, ipad, game đồ ăn, thức uống, quần áo đẹp gần như không thiếu gì, kể cả những đứa con nhà nghèo ở thành phố cũng đầy đủ và quần áo xinh đẹp hơn ở nông thôn ngày xưa của tụi tôi nhiều.
Nhưng lúc này, mấy đứa nhỏ ở thành phố thiếu là sự yêu thương và sự vỗ về. Ngày trước tụi tôi không được ba mẹ yêu thương vỗ về, nhưng bù lại có quá nhiều không gian, quá nhiều trò chơi dân gian để chúng tôi khám phá và chơi đùa, những trò chơi ấy đã chiếm hết thời gian và đủ để chúng tôi trải nghiệm cho dù không có sự cận kề vỗ về của ba và mẹ.
Bây giờ tuy vật chất đầy đủ, nhưng tinh thần tui nhỏ bị thiếu thốn quá nhiều. Ba mẹ vì công việc, cuộc sống mưu sinh. Gia đình khó khăn ba mẹ cũng bận, gia đình giàu có ba mẹ bận tối mặt, con cái các kiểu gần như điều thông qua giúp việc, chúng thiếu thốn tình yêu thương và sự chia sẽ..
Các con luôn cần sự yêu thương và vỗ về đặc biệt là trẻ em ở những thành phố lớn đều ấy càng cần thiết hơn nữa.
Tống Thị Lý