Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn xứ Quảng. Nắng thì cháy da, xém thịt. Lạnh thì thấu tim, buốt xương. Là chị cả của hai đứa em trai, tôi luôn phải là người đảm nhiệm nhiều công việc. Ngày xưa quê tôi, con được sinh ra trong mỗi gia đình, đứa lớn sẽ chăm đứa bé, còn đứa bé sẽ mặc đồ ké, người ta thường hay gọi là đồ bính của anh hoặc chị để lại, không phân biệt là trai hay gái. Đồ cũ hay mới không quan trọng, chỉ cần không rách đáy hay sứt nút là may mắn lắm rồi.
Ba, Mẹ tôi làm nghề nông và bánh kẹo. Thời đó, bánh là thứ ăn chơi, được xem là đồ xa xỉ bà mẹ đi chợ về, mua cho những đứa con thơ vài đồng bạc kẹo, số lượng mẹ tôi bán đâu có được nhiều, vậy nên công việc chủ đạo vẫn là nông nghiệp.
Đi học tôi luôn là đứa đóng học phí gần sau cùng. Vì tôi cảm nhận được nét buồn trên gương mặt mẹ mình mỗi khi bà phải lo tiền. Bởi vậy, mà tôi không dám xin liền mỗi khi có thông báo. Ngày đó đi học không có định nghĩa về việc ăn sáng, dù còn rất nhỏ nhưng tôi luôn ý thức được việc mình cần phải làm sau khi thức dậy, lẳng lặng chuẩn bị sách vở, quần áo để đến trường.
Trong xóm, nhà tôi thuộc diện nghèo gần nhất. Ý thức được việc đó nên mấy chị em tôi không bao giờ đòi hỏi ở mẹ điều gì? Tôi thầm nghĩ được đi học đã là một hạnh phúc. Một buổi đi học, thời gian còn lại là phụ giúp gia đình. Tôi không ngại bất kỳ một công việc gì, nếu việc đó không vượt quá sức và khả năng của mình.
Những ngày tháng tuổi thơ tôi đắm chìm bên những hạt trấu. Dù mẹ không phân công như vậy, nhưng tôi đã tự mặc định cho riêng mình, công việc hốt trấu để làm nguyên liệu đốt khi nấu đường và kẹo là nhiệm vụ của mình. Tắm cho mấy chú heo, chú bò, nấu cám, cắt cỏ và cho chúng ăn cũng thuộc những đầu công việc của tôi. Ngày ấy, tôi còn là một cô bé bán rau xanh cực giỏi, cô bác nào thời đó mà buôn rau sống đều biết tôi là bé Tí ( cái tên Tí được đặt vì lúc đó thân hình tôi có phần nhỏ bé) con của mẹ Thống bán đường và kẹo ở chợ Châu Sa.
Ba tôi rất nóng tính, cuộc sống gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn vì cái nghèo. Đã rất nhiều lần tôi đứng trên bờ vực của việc bỏ học giữa chừng. Mẹ tôi, người một đời luôn vì con mà hi sinh tất cả. Bà luôn động viên tôi, ba nói thì nói vậy thôi chứ con cứ cố gắng học, mẹ sẽ rán lo. Ngày đó, tôi luôn ước gì mình lớn thật nhanh, ước mình có thể đi làm, kiếm tiền thật nhiều.
Xung quanh nhà tôi, nhiều ông bố, bà mẹ có con đi làm ở Sài Gòn. Nhìn gia đình họ thật sung túc, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, gia đình họ lúc nào cũng cười nói rỗn rãng. Trong mắt tôi, mấy anh chị đi làm phương xa về ấy giống như người về từ nước Mỹ. Còn ngôi nhà mình đang ở, mọi thứ điều lặng lẽ, nhạt nhòa và cảm giác buồn luôn bao trùm tất cả. Tất cả những đều ấy, dường như đến từ cái nghèo.
Sâu thẳm từ trái tim mình nó cất lên tiếng nói vô thanh, cũng sẽ có ngày con đi Sài Gòn như vậy. Đi để kiếm tiền, cho gia đình mình cũng được giống như những nhà bên cạnh. Cái ngày đó cũng đã đến, sau một chuỗi thời gian dài làm đứa học trò ở chốn thôn quê, trường làng.
Ngày đặt chân đến đất Sài Gòn tôi hoàn toàn vỡ mộng. Qua hình ảnh và những anh chị đi ở đây về ai cũng xinh, vàng đeo quá chừng. Tôi từng nghĩ Sài Gòn là nơi toàn nhà cao tầng tráng lệ, con người thì ăn sướng, mặc đẹp, ai cũng nước da trắng ngần, và cả tiền nhiều nữa. Lúc đó tôi đi cùng với một cô bạn trong xã, thời gian đầu ở nhờ phòng của người anh bạn ấy. Căn phòng chỉ 15m vuông nằm trong một dãy trọ ọp ẹp. Tưởng tượng hão huyền của tôi giờ đây đã được hiện thực hóa.
Cuộc sống sinh viên cũng trải qua với biết bao buồn, vui, cay đắng. Để bớt gánh nặng cho gia đình tôi đã đi dạy thêm, phục vụ quán cà phê, dán poster quảng cáo. Sau khi ra trường đi làm được hơn 10 năm bên lĩnh vực tài chính kế toán, cuộc sống trên con đường sự nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính kế toán ấy, không được gọi là giàu có hay cao sang, nhưng nó đủ để cho tôi có một cuộc sống được gọi là tốt.
Nhưng có lẽ vì được sinh ra trong gia đình có buôn bán, mặc dù không khá giả gì, cộng với việc lúc nhỏ rất thích bán hàng. Trong tôi bản năng ấy luôn trỗi dậy, ước mơ muốn tự ra kinh doanh một lĩnh vực gì đấy, với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều người hơn. Đi đường có đôi lúc nhìn thấy những em bé ăn xin, những mảnh đời bất hạnh trên báo, những hoàn cảnh khó khăn vẫn còn ở quê hương mình. Nếu chỉ với đồng lương cố định hàng tháng, khoảng thời gian cố định phải đi làm ở Công ty liệu mình có thể làm được gì.
Biết là Kinh doanh là con đường sẽ gặp nhiều gian khó, thách thức, và cả việc có thể sẽ ít tiền hơn, ít thời gian hơn khoảng thời gian mình đi làm công. Những tôi luôn tin rằng, mọi thứ sẽ khác đi nếu mình thật sự kiên trì, bền bỉ và chịu được nhiều áp lực khác. Tôi luôn quan niệm rằng ý nghĩa của cuộc sống chính là biết cười, biết Yêu Thương, Biết Trân Trọng và cả LÒNG BIẾT ƠN.
Đối với Tôi, Lòng Biết Ơn nó vô cùng quan trọng. Vì LÒNG BIẾT ƠN cho tôi cảm giác Hạnh Phúc nhất!
Cảm ơn Ba, Mẹ đã sinh con ra trên cuộc đời này!
Tống Thị Lý