“Con là sức mạnh của người phụ nữ” nếu đã có gia đình và có con chắc chắn bạn sẽ cảm nhận rõ đều này. Đối với tôi, con là động lực chính để thúc đẩy bản thân mình cần phải tiến lên. Những hôm đưa con đến trường, nhìn con bước vào lớp học, tôi tự nhủ với lòng phải cố gắng nhiều để con mình chúng được học ở những ngôi trường tốt hơn, tiếp cận những kiến thức tốt hơn. Bởi thứ tốt nhất tôi cần để lại cho con của mình, chính là một nền giáo dục tốt, để chúng có thể tự học “cách kiếm sông” và “cách làm người”.
Và có đôi lúc bạn chấp nhận đánh đổi tất cả, chỉ mong con mình khỏe mạnh. Đứa con đầu lòng của tôi bị bỏng cháo lúc mới vừa 7 tháng tuổi, tôi như chết lặng khi nghe tin này. Mãi đến tận bây giờ, sau khoảng thời gian 7 năm, nỗi ám ảnh của câu nói và cuộc điện thoại từ Chồng khi tôi vừa bước chân đến cổng Công ty vào buổi sáng hôm ấy vẫn còn đọng lại.
“Em ơi, con bị bỏng chảo rồi” lúc đó tôi như vừa bị gián một đòn rất khủng khiếp. Mấy anh chị ở cơ quan, bảo để chở tôi về. Nhưng không, tôi nghĩ mình tự chạy sẽ nhanh hơn, và tôi chạy với tốc độ không thể tưởng, chạy nhanh đến nỗi, cái nón bảo hiểm tôi đội trên đầu đã lật ngược ra sau, vượt cả đèn đỏ. Những người đang dừng lại đèn đỏ họ trông thấy và la to con này nó đi tự tử.
Khi về đến nhà, cảm giác chết lặng khi nhìn thấy con mình. Dọc đường, trên xe đưa con đến bệnh viện, đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ bao nhiêu tài sản tiền tài tôi đang có, mất đi tất cả cũng được, chỉ mong sao con được khỏe mạnh trở lại. Cảm giác ở ngoài hành lang ngồi chờ và lắng tai nghe mỗi khi bác sĩ gọi, vì khi bị bỏng sẽ phải nằm phòng cách ly, một ngày chỉ được vào thăm con những giờ cho ăn và uống sữa. Mỗi lần vào thăm con là mỗi lần hai hàng nước mắt tôi tự dưng cứ lăn dài trên má.
Nhiều lúc, không chịu nổi cái cảm giác khi phải nhìn thấy con trần truồng và cột hết chân tay vào bốn góc của chân giường khi chỉ mới 7 tháng tuổi. Tôi đành để ba vào với con, thời gian 7 ngày trong bệnh viện dài vô cùng tận. Hôm bác sĩ thông báo cho về, tôi vui còn hơn trúng số. Nhìn ánh mắt của những người bên cạnh, họ cũng đang chăm con, chăm sáu của mình ở đây.
Qua ánh mắt, tôi cảm thấy họ hân hoan cho tôi và suy nghĩ xa xăm về mình, cho con cháu của mình, không biết khi nào chúng mới được về nhà như con của tôi.
Khi có con rồi bạn sẽ thấu hiểu và thương mẹ, người đã sinh ra mình như thế nào. Vậy nên những ai còn mẹ, hãy trân quí và luôn thương yêu mẹ của mình. Khi thấy ai đang giận, oán trách mẹ của mình, là họ đang sai ở đâu đó mà chưa nhận ra và đã trở nên như vậy. Những khi tôi tiếp xúc, chơi, làm việc cùng ai, khi biết họ luôn oán giận, trách móc mẹ của mình. Thì nếu như họ có hành xử, phản ứng hay làm điều không phải, không đúng thì tôi cũng không bận tâm là mấy. Bởi người đã sinh thành mang nặng đẻ đau họ ra trên cuộc đời này mà họ còn trách, mắng, giận, hờn được thì tôi chẳng có nghĩa lý gì.
Có một hôm, tình tôi nghe được đoạn bài pháp của một vị Thầy chủ trì chùa ở Đồng Nai. Nội dung là “ Giờ, tuy ta đã lớn, có thể đã mấy chục tuổi đầu, có gia đình và con cái hết rồi. Nhưng hãy thử một lần, ta thật sự kết nối lại với ba, mẹ của mình, kết nối và sống giống như mình là một đứa trẻ của ngày xưa, thời còn ở truồng tắm mưa, thời mà lủi vào lòng của mẹ để được bà yêu thương và hôn những cái hôn thật dài. Khi thật sự kết nối được như vậy, bạn sẽ trở nên vô cùng hạnh phúc và cuộc sống của bạn sẽ đẹp lên rất nhiều”.
Tôi ngồi nghe và thử tưởng tượng ra cái khung cảnh mình quay về và kết nối lại với ba mẹ. Thầy nói đến đâu, tôi hình dung trong tâm trí mình những cảnh tượng và hình ảnh đấy, cảm giác hạnh phúc trong tôi xuất hiện. Và trên môi tôi lúc đó tự nhiên nở nụ cười, một nụ cười tự nhiên từ trong vô thức!
Một khoảng thời gian khá dài, trong suy nghĩ tôi luôn cảm thấy giận ba mình mỗi khi nhớ về quá khứ, nhớ về những trận đòn roi mà ông đã dùng làm hình phạt mỗi khi tôi mắc lỗi lầm, hoặc sau những bữa nhậu say bí tỷ rồi về đánh đập vợ con, kèm những lời quát mắng, làm tổn thương mẹ con tôi một cách vô độ.
Tôi giận ông, bởi những ngày tháng còn sống cùng ông ở quê, tôi luôn trong trạng thái sợ hãi, vì không biết ông sẽ nạt nộ, hay đánh đòn vào lúc nào. Tôi không hề biết, phải làm thế nào để ông hài lòng, để không phải lãnh những trận đòn roi, khủng khiếp từ ông nữa. Luôn sống trong cảm giá sợ hãi, làm gì tôi cũng thấy sợ. Ở trong một nhà, nhưng tôi luôn né tránh ông, khi ông ở nhà trên thì tôi luôn ở nhà dưới, ông ở trước nhà, tôi cố gắng tìm việc gì đấy để làm ở phía sau. Chỉ mong sao, giây phút chạm phải ông là ít nhất.
Mãi đến sau này tôi mới hiểu và nhận ra, gia đình ảnh hưởng đến tôi khá nhiều. Đi học ở lớp, tôi luôn là đứa khép nép rụt rè, luôn sợ làm sai và phật ý người khác. Luôn cảm giác tự ti và mặc cảm cùng bạn bè. Mỗi khi có dịp đến nhà những đứa bạn cùng lớp chơi, nhìn ba mẹ chúng, tôi thầm nghĩ tụi nó hạnh phúc, tôi ước gì mình cũng được như tụi bạn. Ba mẹ tụi nó nói chuyện ôn hòa, gần gũi, khác với ba tôi “ một người đàn ông lạnh lùng, và khó chịu” theo cảm nhận của tôi ngày ấy!
Ở giây phút hiện tại này tôi cảm thấy mình đã may mắn. May mắn rất nhiều, trên hành trình xấy dựng công việc kinh doanh của mình, tôi đã gặp được những người thầy người bạn, họ đã cho tôi những kiến thức, tư duy giúp tôi thoát được những ký ức, những nỗi đau mà tôi đã mang theo suốt một quãng thời gian khá dài. Tôi cảm thấy thảnh thơi hơn, nhẹ nhàng hơn. Và giờ đây, mỗi lúc nhìn ba mình tôi cảm thấy thương ông. Một tình thương của đứa con cảm thấy có lỗi khi đã từng giận ba mình.
Giờ tôi thương ba nhiều, bởi tôi hiểu. Chính ông, ông của ngày đó, do môi trường góc nhìn, do ảnh hưởng của bao thế hệ qua, đã gắng lên ông, và ông đã mang theo những đều ấy vào chính cuộc đời của mình, rồi áp đặc lên những đứa con của ông. Tôi đâu biết, chính ông mới là người đau khổ nhất ngày ấy, những lúc ông quát, mắng, đánh đập vợ, con chính là lúc ông trở nên bất lực nhất, tâm trí ông lúc đó là người căng thẳng nhất mà ông đâu hề biết.
Tôi may mắn hơn ông ngày đó rất nhiều là được nhận ra và thấu hiểu, nếu tôi vẫn tiếp tục sống trên những đau khổ, dằn vặt ấy, có thể người tiếp theo phải chịu đựng lại chính là bản thân tôi, chồng và những đứa con của tôi.