Tháng thứ nhất của quá trình làm sinh viên thực tập, tôi bắt đầu không còn nhận phụ cấp hàng tháng từ gia đình vì tôi được Công ty trả lương. Chân ướt chân ráo, lần đầu tiên được vào một môi trường, một tổ chức có hoạt động thật sự chứ không giống như trên lý thuyết suông mà tôi được học hàng ngày trên giảng đường. Tôi được sắp xếp và phân công, công việc là trực tổng đài điện thoại và nhận cuộc gọi mỗi khi có khách hàng từ ngoài gọi đến.
Lúc còn đi học điện thoại là một cái gì đó xa vời. Những lúc cần liên lạc với gia đình tôi điều thông qua chiếc điện thoại bàn của người chủ trọ. Tôi không có một chút kinh nghiệm hay kỹ năng nào về việc nghe và trả lời các cuộc gọi, nên mỗi lần điện thoại tổng đài đỗ chuông là tôi thấy sợ, sợ vì không biết sẽ nói gì và nói như thế nào, điều quan trọng nhất là nỗi sợ ảnh hưởng đến việc Công ty.
Doanh nghiệp mà tôi thực tập, làm bên lĩnh vực lắp đặt và dàn dựng baner quảng cáo. Làm việc ở đấy tôi có cơ hội được biết, được gặp thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy. Ông có thể di dời nguyên một căn nhà từ vị trí này sang vị trí khác mà không cần phải tháo dỡ. Lúc đó Công ty có thi công lắp đặt một biển quảng cáo tại Nha Trang, Khánh Hòa, khi đấy cần phải di dời một căn nhà và Công ty đã nhờ sự trợ giúp của ông.
Vì nhu cầu cuộc sống và mức chi trả phí sinh hoạt hàng ngày, tôi đã quyết định chuyển sang công tác tại một đơn vị khác với mức thu nhập khá hơn. Đơn vị mới này làm bên lĩnh vực cung cấp thiết bị điện. Ôi thôi khi bước vào đơn vị này tôi choáng ngợp với những mã hàng. Vô số thứ, to có, nhỏ có và cả lí nhí nữa. Nhưng ở môi trường này tôi nghiệm ra một điều, dù nhiều, dù lắc nhắc lí nhí cỡ nào nếu tập trung bạn vẫn có thể làm tốt và những cái tưởng chừng rối rít đó nó sẽ đi vào bạn và trở thành thói quen của bạn lúc nào mà chính bản thân bạn cũng không hề hay biết.
Cuộc sống có muôn vàng thứ cần chúng ta phải lựa chọn. Công việc và chỗ làm cũng vậy. Sau một thời gian làm việc tại Công ty thiết bị điện vì lý do đi lại chiếm quá nhiều thời gian. Tôi lại lựa chọn chuyển sang làm việc tại một Công ty Chuyên về xuất khẩu Cà phê, Cao Su, Tiêu và Điều. Đây là Công ty mà tôi gắng bó lâu nhất. Gắn bó mãi đến ngày tôi Quyết định ra làm kinh doanh Đường Phèn Quảng Ngãi 3T.
Ở Công ty xuất khẩu này tôi đã hiểu, học và tiếp cận được rất nhiều vấn đề mà ở trường, ở lớp, không thầy, không cô nào có thể truyền đạt cho hết. Ở thời điểm năm 2018 Công ty xuất khẩu ấy có qui mô hoạt động tương đối lớn doanh thu một năm hơn cả nghìn tỷ đồng. Hoạt động quan hệ tín dụng với rất nhiều ngân hàng. Lúc tôi mới vào doanh nghiệp còn nhỏ, doanh thu một năm chỉ khoảng vài chục tỷ đỗ lại.
Bắt đầu làm việc từ lúc Công ty còn nhỏ, tôi được học hỏi và làm việc ở rất nhiều bộ phận, dù có vất vả, nhưng bù lại kiến thức thực tế tôi tiếp nhận được tăng lên rất nhiều. Đi từ vị trí thấp, dần dần lên vị trí cao, nên kỹ năng làm việc của tôi có phần vững. Ngày mới bước chân vào Công ty tôi chỉ là một kế toán viên nhỏ nhất, theo ngày tháng tôi lên kế toán Tổng Hợp, rồi đến Kế Toán Trưởng. Được tiếp cận làm việc về tín dụng với rất nhiều ngân hàng lớn, làm việc trực tiếp với cơ quan thuế, xử lý công nợ, kế toán nội bộ….
Dù vẫn làm tốt công việc tài chính kế toán của mình. Nhưng niềm đam mê trong tôi không phải ngành đấy mà là kinh doanh. Lý do ngày ấy tôi chọn đi theo ngành tài chính kế toán là vì nghe theo lời tư vấn mơ hồ của những người quanh làng, quanh xã. Và thời đó tôi không đủ kiến thức, đủ nhận định, đủ lý trí để xác định đâu là đam mê của mình và kinh doanh có phải là ngành thật sự mình yêu thích hay không.
Mỗi khi tham gia những cuộc họp đầu tuần tại Công ty, dù công tác tại bộ phận tài chính kế toán, nhưng tôi, sau khi đã trình bày và bàn luận phần việc thuộc nhiệm vụ của mình. Phần trình bày của bộ phận kinh doanh, tôi luôn để ý và ghi lại, cách thức làm việc, cách xử lý vấn đề, định hướng phát triển và quan trọng nhất là cách tư duy về kinh doanh về chăm sóc khách hàng của bộ phận kinh doanh và từ chính người lãnh đạo, chủ doanh nghiệp của mình.
Sếp tôi là một người cực kỳ giỏi, tôi học ở ông được rất rất là nhiều điều. Đối với ông dù là một việc nhỏ nhất chúng ta cũng cần phải làm cho thật thốt. Phương châm của ông là phải làm sao và làm như thế nào để khi khách hàng, là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình họ điều cảm thấy hài lòng, happy và phải luôn để lại hình ảnh, là đơn vị chuyên nghiệp trong lòng và trong mắt khách hàng.
Tại Công ty xuất khẩu này, tôi cũng đã học được rất nhiều kinh nghiệm về quản lý tài chính, từ một một người sếp nữ, người mà tôi xem như là chị của mình. Kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, khối lượng lớn, trị giá hợp đồng lớn, dòng tiền chạy hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quí và hàng năm là những con số khá lơn, nên việc quản lý tài chính và quản lý dòng tiền chiếm một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Công việc mà khoảng thời gian sau này tôi được tiếp nhận. Từ vị trí này tôi học được, tất cả mọi việc, mọi trở ngại,mọi con số, chúng ta điều cần phải tính toán, phải suy nghĩ, lúc đó hướng xử lý, cách giải quyết tốt nhất và hiệu quả sẽ mỉm cười với chúng ta, đều quan trọng nữa là phải có kế hoạch.
Tất cả những học hỏi trên là một hành trang khá lớn đối với tôi trên con đường bước ra khởi nghiệp kinh doanh sản phẩm Đường Phèn Quảng Ngãi sau này. Dù lĩnh vực đường phèn của tôi không liên quan gì đến Cà phê, Cao su, hay Tiêu và Điều. Nhưng cách thức làm việc, cách suy nghĩ, cách tính toán và cả cách tư duy, chúng là những lợi thế mà tôi có được so với các bạn chân ướt chân ráo mới bước vào. Nói về ngân hàng tôi rành tương đối nhiều các hình thức thanh toán, làm việc ở nhiều vị trí tôi có thể hiểu được cách vận hành của một doanh nghiệp, cách xử lý vấn đề về thuế, cơ quan hành chính. Nói đến cơ quan thuế, thuế là một trở ngại rất lớn đối với những bạn mới bắt đầu ra khởi nghiệp, thành lập Công ty. Các bạn ấy rất sợ, sợ bị phạt lấy tiền đâu đóng, sợ làm không đúng, đủ thứ sợ.
10-09-2018
Tống Thị Lý