Quảng Đời Sinh Viên Của Tống Thị Lý Trải Qua Với Bao Kỷ Niệm Vui Buồn!

0
1999

Những năm tháng còn học cấp 3, người lớn xung quanh ai ai cũng nói, rán học đi con sau này làm cô giáo vì tôi là con gái. Cô giáo là một hình ảnh đẹp trong mắt thế hệ ba mẹ tôi ngày ấy. Vì họ cho rằng nhà giáo là một nghề cáo quí, nghề đem kiến thức đến cho người khác và kiến thức là thứ khai thông mọi nguồn sáng cho mọi thế hệ.

Không như thế hệ trẻ bây giờ khi còn học cấp 3 thông qua mạng internet, báo chí, tivi là chúng có thể biết được, người làm giáo viên mầm non, cấp 1, cấp 3 và cả giảng viên đại học.. kể cả những ngành nghề khác như kế toán, kiến trúc sư, y tá…công việc của họ sẽ là gì, thời tôi những hình ảnh ấy nó cực kỳ mơ hồ. Để rồi khi nộp hồ sơ chọn trường, chọn ngành lại đi theo tiếng nói của những người quanh quanh với những thông tin đại loại như ngành đó ra dễ tìm việc, trường đó ngon, mặc dù không biết ngon kiểu chi…Và cuối cùng tôi đã chon đi theo con đường của người làm kế toán dựa trên những lời tư vấn mơ hồ.

Ngày ôm ba lô đi vào Sài Gòn để học, cũng tự thân vận động, tự tìm người quen, người thân để đi cùng, tự tìm chỗ ở trọ nhờ trong khoảng thời gian đầu chân ướt chân ráo mới vô. Ở quê nhà tuy không to nhưng được cái nhà rộng, vườn rộng, dù có đi đâu cũng mặc định nhà đó là của mình và tới giờ là về. Vô Sài Gòn thì phải đi tìm phòng trọ, nghĩ cảnh tìm phòng trọ hồi đó sao mà nó gian nan dễ sợ. Mới đầu nhờ mấy anh cùng quê đã vào trước tìm dùm, mấy ổng đi miết mà tìm cũng chẳng ra, mình thì lại thắc mắc, đi dòng dòng thấy người ta treo bảng cho thuê phòng trọ quá chừng, mà sao mấy anh tìm hoài hổng có. Sau này mới biết, những cái bảng họ treo ấy để cho thuê phòng dạng theo giờ, theo ngày, ngắn hạn.

Ở trọ, ở ghép, ăn cơm ở căn tin trường, bị trộm lấy đồ có đủ cả. Hồi còn học phổ thông nhờ chăm chỉ phụ giúp mẹ làm việc, bà cho tôi một sợi dây duyền bằng vàng 18K, là thứ tài sản có giá trị, quí giá nhất và là kỷ niệm duy nhất bằng hiện vật mẹ đã cho tôi. Đi học đeo trên cổ thì sợ bị giật, thế là bỏ ba lô cất ở phòng trọ, đó là học kỳ đầu tiên và định tết về sẽ để ở nhà gửi mẹ cất dùm, chưa kịp thực hiện, chưa kịp tới tết, thì nó đã theo ai đó tôi hoàn toàn không biết mặt đi mãi mãi, tôi tiếc vô cùng và kể từ đó về sau của đời sinh viên tôi không bao giờ mang bất kỳ vật phẩm gì có giá trị bên mình.

Sau một thời gian sống ở Sài Gòn tôi bắt đầu quen dần với nhịp sống, rồi cũng tìm được một phòng trọ tạm yên ổn về an ninh, nỗi nhớ nhà của đứa con đi xa dần dần cũng không còn nữa. Với đồng tiền eo hẹp hàng tháng được từ quê gửi vào, tôi phải chắt chiu làm sao để không thâm không hụt, tôi bắt đầu tìm việc làm thêm bằng cách đi dạy kèm, làm thu ngân ở quán cà phê, dán poster quảng cáo, tôi không ngại việc gì miễn sao không vượt quá sức của mình và không ảnh hưởng đến việc học.

Từ việc tính toán tiền phải làm sao cho đủ hàng tháng, từng bữa ăn hàng ngày, hàng tuần, nghĩ là khổ nhưng sau này khi ra đời tôi thầm cảm ơn những ngày tháng gian khổ ấy, chúng tạo cho tôi biết tính toán, sắp xếp trong chi tiêu trong cuộc sống của mình. Ở trọ khổ hơn ở nhà của ba mẹ mình nhưng bù lại tôi học được cách đối nhân xử thế, va chạm được nhiều người, ở nhiều vùng miền, nhiều văn hóa khác nhau, làm cho tôi có nhiều cái nhìn hơn về cuộc sống.

Ra đời rồi mới thấy, mình than là khổ nhưng có nhiều hoàn cảnh còn khổ hơn cả mình. Ở quê tôi không bao giờ thấy cảnh ai phải ngủ đầu đường, xó chợ, ngủ hiên nhà người khác, ngủ trên những chiếc xe xích lô cũ kỹ. Dù nhà to hay nhỏ ở quê ai ai cũng được ngủ trong chính ngôi nhà của mình dù là bé xíu.

Cũng ở chính cái Thành Phố nhộn nhịp, sầm uất mà lúc còn ở quê tôi luôn nghĩ nó như thiên đường. Thì tôi lại bắt gặp, và nhiều lúc được nói chuyện với những người cùng quê, có khi khác quê, họ phải xa quê hương, xa chồng, xa vợ, xa con để đi bán những xấp vé số, lượm những cái bọc ni long. Có một lần tôi tham gia chương trình từ thiện, phát mền mùng cho những người vô gia cư phải ngủ vỉa hè. Tôi phát hiện ra một điều vào tầm khoảng 1 đến 2 giờ sáng số lượng người họ đi móc bọc rất nhiều.

Giờ đó tất cả mọi người đã chìm vào giấc ngủ, trong những chiếc chăn ấm, niệm êm, thì có những con người vì kế sinh nhai, vì con cái họ và họ đã âm thầm, lặng lẽ đi nhặt nhạnh từng chiếc bọc, lợm từng cái lon, từng miếng thùng carton để bán, để kiếm tiền cho con ăn học, lo cho người thân đang bệnh nặng. Và họ đi trên con đường Nguyễn Oanh, Quận Gò Vấp hướng về quận 12 rất nhiều vào giờ ấy. Còn có cảnh những người mẹ ôm đứa con bé xíu, nằm ngủ bên một góc hiên nhà của một người hoàn toàn xa lạ. Tự dưng tôi thấy mình quá hạnh phúc, quá may mắn. Tôi cảm nhận một điều mình cần phải nhìn đời bằng ánh mắt thương yêu.

Thời gian đầu của thời sinh viên tôi học cứ tà tà, không giỏi cũng chẳng tệ. Tôi học chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, lúc đầu tôi học không được tốt môn đó thế là đâm nản và kết quả là tôi rớt và khi rớt tôi cũng không bất ngờ vì tôi biết lực học của mình lúc đó. Tình cờ một lần tôi nghe ai đó nói về tôi học có nhiêu đó cũng rớt, tự ái trong tôi trỗi dậy. Và sau này thì tôi thấm câu nói trong Nguy luôn có cơ. Tôi tìm tất cả những sách về tài chính kế toán ở trường, tôi qua tận trường Kinh tế để mua những đầu sách viết về tài chính kế toán. Tôi đọc ngấu đọc nghiến tất cả chúng.

Đọc tới mức chỉ cần nhìn thấy tựa sách là tôi có thể biết được trong cuốn sách ấy nói cụ thể về những cái gì, có bao nhiêu chương. Kết quả của những tháng ngày mò mẩn như thế là đồ án tốt nghiệp tôi làm có điểm số tối đa và đạt loại giỏi trong bốn lớp Kế toán Doanh nghiệp của khóa ấy và cũng chính bước ngoặc ấy mà tôi có một khối lượng kiến thức khá vững  về chuyên ngành, nó giúp ích khá nhiều cho tôi trong khoảng thời gian đi làm sau này.

Cúng chính cái ngày đó,  thói quen đọc sách trong tôi được hình thành. Tôi nghiệm ra rằng sách là người thầy, người bạn và là người hướng dẫn. Khối lượng kiến thức trong sách nhiều vô kể, sách cho tôi niềm vui những lúc tôi buồn. Có nhiều cuốn sách vui,  đọc ngồi cười ngặt ngẽo một mình lỡ có ai vô tình nhìn thấy có khi họ tưởng mình khùng cũng nên.