TÔ BÁNH CANH GHẸ “ CẦU BÔNG”

0
1137

Lòng biết ơn và sự cho đi, đó là 2 cảm giác hạnh phúc nhất. Càng ngày càng thấm ý nghĩa của hai từ này. Đi học, thường được nghe ông thầy ổng nói. Những người mà họ vượt qua được những bức tường trở ngại, khó khăn dày cộm, đó là những người họ có lòng biết ơn và tinh thần cho đi rất lớn. Ngoài những kiên trì, những nỗ lực thì cần phải có hai đều đó nữa mới đủ lực để họ có thể đâm thủng bức tường và trở nên thành công.

Đúng là khi lòng cảm thấy biết ơn, chính bản thân mình là người cảm thấy hạnh phúc trước nhất. Ngày còn trẻ, lúc chưa lăn lộn với đời đôi lúc cũng thầm oán trách, sao hồi xưa ba mẹ mình bắt mình làm nhiều kinh khủng, người nhỏ xíu xìu xiu mà bắt làm đủ thứ chuyện. Khi lớn lên rồi lại thầm biết ơn. Chính những điều đó đã giúp mình vượt qua được những khó khăn, vất vả của giai đoạn khởi nghiệp.

Thời còn ở với ba mẹ cực quá cực, nên sau này khi ra đời đi làm, mấy cái cực và trở ngại dường như không còn là vấn đề lớn đối với mình nữa. Ở với ba mẹ, 2-3 giờ sáng trời tháng10 lạnh tê tái, mà còn thức dậy để ra đồng nhổ cải, nhổ ngò, sà lách, hành…dưới ánh đèn dầu hiu hắt, hai hàm răng thỉnh thoảng lại đánh vào nhau cờm cợp vì quá lạnh. Thời khởi nghiệp, những đêm thức 1-2 giờ sáng để làm việc trong phòng, có điện thắp sáng, có quạt lúc nóng, có áo ấm lúc lạnh, thấy còn sướng hơn ngày xưa nhiều.

Thỉnh thoảng mình có việc khoảng 11 -12 giờ đêm còn đi ở ngoài, thấy những mãnh đời bất hạnh phải nằm khúm núm, co rút chân tay bên những mái hiên nhà đã đóng cửa. Lúc đó, mình cảm thấy mình may mắn dễ sợ luôn á chớ. Đang ngồi ăn tô bánh canh ở 1 quán đã lâu năm bên chân cầu Bông ở đường Đinh Tiên Hoàng khá là đông khách. Một cậu bé bằng tuổi con mình, quần áo lấm lem, tay chân đen đúa, quần ngắn, áo cụt với xấp vé số trên tay, một cảm giác yêu thương khó tả.

Rồi một hôm đi gặp mấy người bạn, ngồi ở cái quán  cạnh bờ sông. Đang ngồi nhìn xa xăm chờ bạn, bống dưng có 1 đứa bé ốm nhom, bơi từ dưới nước ngoi lên, với quần áo ướt mem bước vào trong quán, lượm những chai, lon. Rồi quanh lại bờ, thả mình bơi xuống dòng nước lạnh ngắt, mang theo những chai lon vừa lợm được ra ghe có người mẹ chờ sẵn. Lòng mình như thắt lại.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở nông thôn, quanh quanh trong xóm ngày đó nhà nghèo nhiều lắm, có nhiều mái nhà mình nghĩ chắc là nghèo không có đối thủ luôn á. Nhưng giờ khi ra đời có cơ hội được đi nhiều hơn, biết nhiều hơn, mình thấy nhiều gia đình, nhiều hoàn cảnh, nghèo và bất hạnh không thể tưởng. Và mình cũng gặp những con người họ có tinh thần cho đi vô cùng lớn, họ luôn sống với lòng biết ơn và cuộc sống của họ rất là hạnh phúc.

Cứ tưởng những ngôi nhà ọt ẹp ở quê là những ngôi nhà đáng thương nhất rồi. Ấy vậy mà còn có nhiều nơi, có những gia đình, có những mái nhà, nhìn vào mình không thể tưởng tượng được. Chỉ cần mưa nhỏ thôi là đã dột tứ bề, có hôm phải mặc áo mưa để ngủ. Khi họ được nghe thông báo là sẽ được xây cho một ngôi nhà cứng cáp, che mưa che nắng không còn dột ướt nữa. Sự vui mừng làm họ bật khóc giống như một đứa trẻ, dù tuổi đã gần đất xa trời!

Mà lạ lùng là, cứ hễ thấy những hoàn cảnh khó khăn, nhìn người tàn tật. Là tự dưng mình nghĩ là mình cần phải làm việc nhiều hơn. Ông thầy dạy mình ổng nói là. Mày được sinh ra dù xuất phát điểm là nghèo khó, nhưng mày lành lặn, cơ thể mày bình thường, nên mày phải làm để bù đắp cho những người họ có khuyết điểm kia. Lòng tự nhủ “ mày phải nhớ ngen Lý”.

Gần hết năm cũ, ngồi lơ mơ suy nghĩ!