Chuyến Đi Chùa Pháp Hoa- Đồng Nai- Những Ngày Cuối Năm

0
563

Ngày trước tôi hay than thân trách phận lắm các Bạn. Cứ nói chứ sao mình được sinh ra trong gia đình gì mà nghèo rớt mồng tơi, cái gì thấy cũng thiếu, tết nhứt gì nhà lúc nào cũng buồn hiu, cứ mãi những suy nghĩ đấy các Bạn.

Có lúc còn nghĩ sao ba mẹ không thương mình gì hết trơn. Vì hồi mới thi đại học năm nhất rớt, tôi đi vào Đồng Nai tìm việc làm, đi có một mình trong khi trước đó chưa một lần rời khỏi cái huyện Sơn Tịnh của Tỉnh Quảng Ngãi, người thì thuộc dạng nhỏ con nên nhìn có chút xíu. Vào đến Đồng Nai lúc 2 giờ sáng, lúc đó trời thì mưa phùn phùn, lạnh ngắt, có một con nhỏ mang ba lô đi tìm nhà người thân mà chưa biết nhà ở chỗ nào, nghĩ lại cảnh đó thấy tủi thân dễ sợ các Bạn.

Rồi đi làm công nhân cho Công ty giày da, hình ảnh ăn cơm, uống nước, trời nó giống y như hồi còn ở nhà tôi cho heo (lợn) ăn vậy các Bạn. Người ta khiêng một thau cơm thiệt là to, cứ đi ngang đến bàn nào là người ta dừng lại, cuí xuống lấy cái thau múc rồi đổ lên cái thau khác đang để sẵn trên bàn, giống với việc tôi cuí xuống múc rau cho lợn ăn ngày xưa. Tới uống nước, trời ơi một cái thùng nhựa to ơi là to, thả không biết bao nhiêu cái ca nhựa đủ màu sắc nổi lền bềnh, mạnh ai nấy thò tay múc uống.

Trong giai đoạn dịch Covid nhìn hình ảnh những Anh, Chị và các Bạn rời thành phố về quê tôi thấm lắm các Bạn và cả đồng cảm vì mình cũng từng là Công nhân như vậy.

May mắn là ngày đó tôi nghĩ được, nếu chọn con đường công nhân thì sau này cuộc sống sẽ vất vả, nên tôi đã quyết định đi học lại. Khi học xong ra trường đi làm là luôn với tinh thần tự lập, tự bươn chải, không có suy nghĩ là nhờ vả hay xin xỏ gì ở gia đình. Tinh thần tự lập này tôi có được từ lúc còn ở với ba mẹ, gì cũng phải chủ động tự làm. Để Ba tui mà nhắc là có khi cái roi đi vào cái đít luôn.

Đi làm tự cân đo, đong đếm tính chi tiêu sao cho phù hợp, rồi phải để giành tiền tiết kiệm. Được sinh ra và lớn lên ở dải đất Miền Trung vào những mùa mưa bão là không làm được gì mấy nên phải có sự tích lũy.

Năm tháng trôi đi cuộc sống dạy cho tôi nhiều bài học. Đến những trại trẻ mồ côi, nhìn những trẻ em khuyết tật cảm giác thấy mình được may mắn trỗi dậy trong tôi một cách mãnh liệt, may mắn được sinh ra với cơ thể lành lặn, được có ý thức, được có bố mẹ bên cạnh, đấy là xuất phát điểm dương, mà trước đây tôi không hề biết.

Mới đây có dịp đến Chùa Pháp Hoa ở Đồng Nai và tham gia chuyến thiện nguyện phát quà cuối năm cho những hoàn cảnh khó khăn, nhiễm chất độc da cam, bị mù lòa. Trong chuyến đi có những Anh/ Chị rất thành đạt và cả những Anh/ Chị rất đời thường, ở họ đều toát lên sự an lành. Có lẽ họ cảm nhận được những giá trị hạnh phúc nội tại mà họ đang có.

 “Bằng lòng đi em về với quê anh”. Tình cờ tôi được nghe một bài nói chuyện qua một đoạn radio có tiêu đề là như thế. Hãy bằng lòng với những gì mình đang có để được về với quê anh. Quê Anh ở đây tác giả bảo đó là sự “hạnh phúc”. Mỗi khi so sánh, ta thường so với người hơn mình, chứ ít khi so với cái thấp hơn mình, nên cứ thấy mình bị thua thua, thiếu thiếu, đó là một cảm giác không hạnh phúc. Thế rồi tôi chọn không so sánh với người cao hơn mình nữa, không phải là tôi chấp nhận bằng lòng và an phận, mà là để tôi được hạnh phúc.

Ngược lại tôi thường so sánh với quá khứ của chính mình. Ôi trời hồi còn nhỏ mình cực quá chừng chừng còn chịu được, huống chi bây giờ. Nhìn thế tự nhiên tôi thấy lòng mình nhẹ hơn, hạnh phúc hơn.

Ghé đến ngôi chùa Pháp Hoa, Chùa không lớn lắm nhưng không gian vô cùng sạch sẽ, thoáng mát, quanh quanh toàn là nương rẫy và cây xanh. Ở chùa thì chỉ có một sư thầy và hai sư cô, họ quần quật làm rẫy, lau chùi, quét dọn. Khung cảnh an nhiên tự tại vô cùng. Đôi khi đến chùa chỉ cần ngồi ngắm khung cảnh, cảm nhận không khí là đã thấy lòng mình lắng đọng lại rồi.

Một ngày cuối tuần thật nhiều ý nghĩa!

Đồng Nai, ngày 16/01/2022